Nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật kỹ viện.
Giá trị cốt lõi
Trong những năm đầu thập kỷ 80 trở về
trước, nghệ thuật Việt Nam chủ yếu hoạt động dưới hình thức nghệ thuật công lập
thì khi nền kinh tế thị trường phát triển, tư nhân hóa từng bước xâm nhập mạnh mẽ
vào các nhà đài, nghệ thuật cũng dần dần trở thành một dạng thương mại,
càng về sau, “nghệ thuật tư nhân” càng lấn sâu, trở nên độc chiếm và khuynh đảo
thị trường giải trí,
khi đó, người làm nghệ thuật cũng đi theo xu thế và từng bước vượt ra ngoài những
phạm vi bộ môn nghệ thuật cổ điển ngày trước, lấn sân sang nhiều hình thức giải
trí khác, từ đó tạo nên sự thay đổi lớn trong nhận thức của khán giả về giá trị
của nghệ thuật, đâu là nghệ thuật hàn lâm và đâu là nghệ thuật kỹ viện.
Biểu diễn hòa nhạc thính phòng
Ngày nay, nghệ thuật được hiểu theo một ý nghĩa mới, đó là
thế giới giải trí, bao
hàm nhiều loại hình nghệ thuật và giải trí khác nhau. Chính vì sự đan xen lẫn lộn này mà nhiều
người đã tự khoác lên mình danh từ “nghệ sĩ” nhưng thực tế, người làm nghệ thuật
và người làm giải trí có những yếu tố rất khác nhau.
Nếu nghệ thuật hàn lâm thường
được chính tác giả sáng tạo ra bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt, sự am hiểu chuyên môn trong từng tác phẩm
của họ, như phải kể đến loại hình nghệ thuật Opera, múa Ballet, hòa nhạc giao
hưởng, nhạc thính phòng, nhạc
kịch…đây được xem là loại hình nghệ thuật giàu tính kỹ thuật, đòi hỏi tư duy cao ở
người sáng tạo. Đối với loại hình nghệ thuật dân gian thì có ca trù, quan họ,
nhạc cung đình Huế, hát tuồng, hát xẩm, đờn ca tài tử, ….tuy nhiên cả nghệ thuật
hàn lâm và nghệ thuật dân gian đều là loại hình nghệ thuật kén người nghe, kén
người xem vì có rất ít khán giả hiểu được ý nghĩa ngôn ngữ, tính triết lý và nội
dung trừu tượng, lạ lẫm từ những loại hình nghệ thuật này.
Thế nên, nghệ thuật hàn lâm
không chạy theo thị hiếu khán giả mà họ sáng tạo ra giá trị văn hóa riêng, mang
những nét độc đáo, bay bổng mà chỉ những ai chạm đến cảm xúc đó, hiểu được giá
trị nghệ thuật đó thì mới đến với họ.
Sáng tạo nghệ thuật cũng
như sáng tạo ra một sản phẩm công nghệ, giá trị và độc đáo là khi họ không tạo
ra sản phẩm khách hàng cần mà tạo ra sản phẩm khách hàng chưa từng biết đến. Có
một bài báo đã viết về sự thành công của hãng Apple khi họ đã khuynh đảo ngành
công nghệ smartphone trên thế giới bởi sự ra đời của chiếc điện thoại Apple
Iphone đầu tiên cũng dựa trên nguyên lý này.
Chính vì kén khán giả nên
đa phần những người làm nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật dân gian đúng nghĩa sẽ
không giàu, thậm chí rất nghèo vì họ chỉ đau đáu để vun bồi, sáng tạo ra những
sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa từ tư duy thiên bẩm, bằng đam mê riêng biệt chứ không chạy theo xu hướng thương
mại hóa, họ cảm thấy hạnh phúc với đứa con tinh thần của họ dù họ không
biết khán giả của họ là ai. Người nghệ sĩ thực thụ, họ thường không ganh đua,
không chiêu trò để được nhiều người biết đến, họ chỉ làm nghệ thuật một cách
đơn thuần, không mưu cầu, không tư lợi, họ dành trọn tâm
huyết cho những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thế nên chúng ta không lạ gì khi những
người làm nghệ thuật kinh điển
đều có cuộc sống không xa hoa
bề nổi so với những người làm giải trí hiện nay.
Đêm
nhạc thính phòng cổ điển Chamber
Ngược lại, nghệ thuật kỹ
viện là nơi sinh ra những sản phẩm giải trí để phục vụ thị hiếu của số đông khán giả, họ cóp
nhặt nhiều loại hình giải trí khác nhau để tạo thành một sản phẩm phức hợp và lai tạp.
Thống lĩnh thị trường
giải trí hiện nay là các chương trình Game show, chúng ta dễ dàng nhận thấy có những
gương mặt không nằm trong lĩnh vực nghệ thuật
chuyên nghiệp vẫn xuất hiện
nhan nhãn trên các chương trình giải trí và giới truyền thông tự mặc định họ những người đang
đóng vai trò “nghệ sĩ”.
Khi nghệ thuật bình dân
lên ngôi, đó là mảnh đất màu mỡ
để những người làm giải trí không chuyên nghiệp, dựa vào scandal để phủ sóng tên tuổi, thế nhưng khi đi
lên bằng sự hiệu ứng đám đông,
thiếu chuyên môn, kém
năng lực thì sự tồn tại
của họ cũng chỉ chóng vánh trong vài ngày, vài tuần, nhiều hơn là vài năm rồi
sau đó tự lụi tàn, không ai nhớ đến. Nghệ thuật kỹ viện là loại hình nghệ thuật tạo nên những cơn
sóng giải trí ào ạt, nghệ sĩ kỹ viện là những người xuất hiện chóng vánh với những
vai diễn, sản phẩm hời hợt theo trào lưu, không để lại nhiều ấn tượng, không
mang giá trị nghệ thuật sâu đậm, tác phẩm không lưu trữ được đường dài, họ chủ yếu đánh vào
nhu cầu, sở thích, thị hiếu của
bộ phận khán giả dễ tính, không đòi hỏi cao về nội hàm nghệ thuật, chỉ cần
nó bình dân, dễ nghe, dễ hiểu,
gây cười một cách đơn thuần là đủ.
Một mặt trái đáng suy nghĩ khác, đó là khi những người nghệ sĩ làm nghệ thuật kinh điển phải chật vật với sân khấu vắng người, họ không góp mặt vào sự chắp nối giữa nghệ thuật và thị trường, rất hiếm khi thấy họ xuất hiện trên mặt báo trừ khi họ có những giải thưởng danh giá, họ chủ yếu tập trung vào bộ môn nghệ thuật của mình, họ không tham gia vào các hoạt động game show, sự chuyên nghiệp của họ thể hiện qua các cuộc thi nghệ thuật đỉnh cao trong nước và quốc tế, họ dành cả đời để tô vẽ, sáng tạo, thai nghén, nuôi dưỡng cho những đứa con tinh thần của họ đến khi trở thành một tinh hoa văn hóa, có thể họ phải mất cả đời chỉ để sống và làm nên một tác phẩm nghệ thuật kinh điển trong không gian của riêng họ thì ngược lại người làm giải trí thị trường lại tiếp cận rộng rãi với cộng đồng bằng nhiều hình thức (Game show, phim truyền hình, kênh youtube, host…) để quảng bá tên tuổi, chính sự hỗn tạp này mà ngày nay, “nghệ sĩ game show” trở thành trào lưu, xuất hiện nhan nhãn khắp mặt trận truyền thông giải trí với những sản phẩm “nghệ thuật” tạp kỹ hời hợt, trùng lắp, thiếu sáng tạo, thiếu giá trị nghệ thuật một cách đáng báo động.
Giữa sự đối đầu và cạnh
tranh không khoan nhượng để dành đất sống giữa nghệ thuật
và giải trí, người nghệ sĩ chân chính lại càng trở nên yếu thế hơn bởi
môi trường hoạt động của họ hầu như không còn đất diễn, khán giả cũng vắng bóng
ở những sân khấu vì đa số đều chọn loại hình văn hóa tiện lợi hơn trên thế giới phẳng, mặc dù vậy nhưng người
làm nghệ thuật hàn lâm vẫn sẵn sàng từ bỏ những hào nhoáng của thế giới giải
trí xô bồ, tạp nham để giữ vững giá trị nghệ thuật cốt lõi, họ không bán rẻ chất
xám để chạy theo thị hiếu đám đông, họ vẫn bám lấy khán phòng, với sân khấu nhỏ mà ở đó họ chấp nhận
hàng đêm được bay bổng tâm hồn mình trong một không gian chỉ vài trăm khán giả cùng những
tiếng vỗ tay đồng điệu và ngưỡng
mộ chứ không phải là hàng triệu lượt xem trên nền tảng trực tuyến, tranh nhau từng
vị trí trending trên bảng
xếp hạng, họ chấp nhận
một cuộc sống khá bấp bênh khi sự lấn át của công nghệ giải trí đẩy họ vào thế “Khó tồn tại”. Trước muôn
vàn thách thức đó, bằng lòng yêu nghề, bằng đam mê và lao động nghệ thuật chân
chính, người nghệ sĩ thực thụ vẫn dành trọn vẹn tâm huyết cho lĩnh vực mà họ đã chọn, họ say mê nghệ
thuật một cách trong trẻo, thuần
khiết và đối với họ, nghệ thuật là tâm hồn, là sự thăng hoa, là nguồn sống
duy nhất trong cuộc đời của họ.
Biểu diễn nghệ thuật múa đương đại
Vị trí của nghệ thuật nghiêm túc
Chúng ta có thể tìm thấy
giá trị và suy nghĩ của một người nghệ sĩ yêu nghề từ nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, người đã sẵn
sàng từ bỏ ghế nóng dù là một gương mặt gạo cội và sáng giá ở vị trí Giám khảo,
để chọn con đường quay trở lại sân khấu nhỏ, hàng đêm với vài trăm khán giả,
thu nhập ít hơn nhưng
đó là con đường nghệ thuật giàu
tính chuyên môn, không bị tầm thường hóa bởi xu thế giải trí thương mại
trần trụi, thiếu chọn lọc.
Lẽ tất nhiên, bất cứ điều
gì cũng sẽ có hai mặt của nó, khi nghệ sĩ chân chính, nghệ thuật hàn lâm ít người
xem, không phổ biến rộng rãi, người nghệ sĩ theo trường phái đó cũng không có fan cuồng mà chỉ có những
khán giả thầm lặng theo
dõi họ, nhưng đổi lại, chúng ta có thể thấy giá trị nghệ thuật và sự cống hiến
của người nghệ sĩ chuyên nghiệp
luôn nhận được sự trân
trọng của giới chuyên môn, của
những khán giả có chiều sâu tâm hồn, được xã hội vinh danh từ kết quả lao động nghệ thuật có giá
trị, sẽ không có những chiêu trò tạo ra scandal để hạ bệ lẫn nhau mà nơi đó chỉ có những người nghệ sĩ gạo
cội, những người làm nghệ thuật
chân chính, những người thầy và trò, là thế hệ đi sau sẽ được truyền lại
những giá trị nghệ thuật tinh hoa từ người đi trước, là nơi nuôi dưỡng và phát
triển tài năng, duy trì giá trị cốt lõi của nghệ thuật kinh điển từ những người
nghệ sĩ luôn sống hết mình trong đam mê của họ.
Ngược lại, những nghệ sĩ giải trí trong môi trường nghệ thuật kỹ viện, họ được bao bọc trong sự hào nhoáng, lực lượng fan cuồng hùng hậu, những danh vọng lung linh bề nổi nhưng thiếu sự chắc chắn từ nội lực bên trong, khi nghệ thuật chỉ được nuôi dưỡng nửa vời thì song song đó, họ cũng phải chắp vá tâm hồn để chịu đựng vô số áp lực từ sự soi mói, bình phẩm, những lời tung hô hôm trước lẫn miệt thị hôm sau, là sự công kích dữ dội từ phía dư luận có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, là sự tấn công của nhiều đợt sóng mới sẵn sàng dùng mọi thủ thuật, chiêu trò tương tự để chiếm lĩnh ngôi hậu, ngôi vương một cách không khoan nhượng, bởi đó chính là nơi xuất phát điểm mà trước kia những người “nghệ sỹ kỹ viện” đã từng lựa chọn, từng tạo dựng cho mình một hình ảnh để đến với công chúng thì những gì họ nhận lại cũng đầy sự xáo trộn, bấp bênh, may rủi, không mấy bình yên trong quá trình thương mại hóa nghệ thuật của mình.
Và cho dù thời điểm nào, dù xã hội có phát triển ra sao thì nghệ thuật hàn lâm vẫn không thể trộn lẫn với nghệ thuật tạp kỹ, người làm nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn là những người ở một vị trí xứng đáng được xã hội trân trọng và công nhận giữa ma trận nghệ thuật kinh điển và nghệ thuật kỹ viện hỗn tạp vốn đang bị đánh tráo hiện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét