Văn hóa và Nghệ sĩ
Những ngày gần đây, bất
kỳ khi nào mở điện thoại, máy tính ra, chúng ta cũng thấy những nội dung liên
quan đến nghệ sĩ, khán giả, từ thiện…những sự thật – giả lẫn lộn, những cuộc đấu
tố bao trùm, lúc đầu chỉ là những vùng nhỏ, nhưng mỗi ngày một lan dần, trở
thành một hiện tượng, một vấn đề nóng của xã hội.
Nếu những năm đầu thập niên 90 trở về trước, khán giả, bạn đọc chỉ thấy những thông tin sạch sẽ, những câu chuyện làm nghề của nghệ sĩ trên những quyển tập san, những bài báo giấy chính thống, là hình ảnh đẹp đẽ, thanh lịch, là những câu chuyện đời tư được kể lại có chừng mực của văn nghệ sĩ, thế giới nghệ thuật thứ bảy hiện lên trong tư tưởng khán giả thời đó như một chòm tinh tú lung linh ít ai chạm tới được, thế nhưng khi cuộc tấn công của công nghệ bắt đầu nổ ra trên mọi phương diện đời sống thì lĩnh vực giải trí cũng dần dần đi gần đến với khán giả, mọi hoạt động của người làm nghệ thuật không còn qua nhiều khâu kiểm duyệt, những hình ảnh không còn phải chọn lọc hiếm hoi để gửi đến khán giả mà nó có thể xuất hiện nhan nhãn hàng ngày, hàng giờ, từ phía các nghệ sĩ tự đăng tải lên.
Nghệ thuật thứ Bảy được
thay thế dần bằng tên gọi “Showbiz”, cụm từ viết tắt của Show Business là ngành
công nghiệp giải trí, bao gồm Quản lý, sản xuất, đơn vị phân phối, những người
tham gia vào sáng tạo nghệ thuật như nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhà văn, người
mẫu. Bằng sự tiếp cận của thế giới phẳng đến với khán giả chỉ bằng một cú
click, cả thế giới giải trí sẽ hiện lên đầy đủ, tràn ngập về những thần tượng,
những câu chuyện đời tư, những nội dung phim ảnh mà không cần phải chờ đợi trên
từng trang báo như ngày trước.
Song song với sự phát triển đó, bao giờ cũng kéo theo những điểm mạnh và hạn chế, điểm mạnh ở đây là nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức của khán giả về giải trí được thực hiện một cách tối ưu hóa, bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít và thậm chí ngày càng nhiều những sự hỗn tạp khi hàng ngày, những thông tin giật tít, câu view trộn lẫn những thông tin chính thống, là sự xuất hiện đầy rẫy những loại hình “giải trí” lệch lạc, tiêu cực; những phát ngôn của người làm trong ngành giải trí cũng trở nên tùy tiện và mất kiểm soát.
Nếu ngày trước, rất hiếm khi và hầu như không có những bài báo nào trên các tạp chí, tập san đăng tải về cuộc khẩu chiến giữa nghệ sĩ này với nghệ sĩ nọ thì ngày nay, điều đó lại xuất hiện nhan nhãn, tràn ngập các Spotlight, trở thành một trào lưu không thể thiếu trong giới showbiz, thậm chí có không ít người còn lấy những hiệu ứng tiêu cực đó để làm bệ phóng cho sự nổi tiếng chớp nhoáng của mình.
Đỉnh điểm nhất trong
thời gian gần đây là những cuộc khẩu chiến, đấu tố, công kích vừa công khai, vừa
ngấm ngầm theo cách “hạ bệ nhau, chửi rủa nhau nhưng không nói đích danh ai”, cộng
đồng mạng luôn thấy những cái tít sặc mùi drama, nhuộm màu scandal mỗi ngày vẫn
dày đặc trên khắp bản tin, báo mạng.
Nếu ngày trước, những
nghệ sĩ dường như rất kiệm lời, họ kiệm lời trên sân khấu cả những phát
ngôn ngoài đời, thỉnh thoảng khán giả mới
được nghe những chia sẻ của nghệ sĩ về nghề nghiệp và những
chuyện riêng tư của họ trên những talkshow hoặc những buổi trò chuyện ngắn được
dẫn dắt bởi một người dẫn chuyện, thì ngày nay, “nghệ sĩ”, “ca sĩ”, “kịch sĩ”
có thể nói bất cứ nơi đâu, từ trang cá nhân đến những chỗ đông người, lẽ tất
nhiên khi ngôn từ được tùy tiện phát ra quá nhiều nơi, không có sự cân nhắc, kiểm
duyệt trước khi đưa lên thông tin đại chúng thì không thể tránh khỏi những sai
sót, những hiểu lầm, từ đó dẫn đến những mâu thuẫn âm ỉ rồi bùng nổ những cuộc
khẩu chiến không thương tiếc.
Khoảng thời gian gần đây, không ít khán giả, cộng đồng người nghe nhạc cảm thấy ngao ngán với những sản phẩm âm nhạc của một số ca sĩ trẻ, rapper mang đầy lời lẽ sặc mùi công kích, khích tướng, thóa mạ, hạ bệ lẫn nhau, như một chiến tích của ca sĩ này dằn mặt nghệ sĩ khác, dù biết đó không phải là loại âm nhạc sạch sẽ, bay bổng nhưng vẫn khiến một cộng đồng fan cuồng mộ tung hô, thích thú, dẫn đến sự lệch lạc trong tư tưởng và nhận thức. Đỉnh điểm hơn, những ngày qua, khán giả và cộng đồng mạng liên tục cảm thấy ngỡ ngàng bởi những rò rỉ phát ngôn thiếu chuẩn mực thậm chí thô tục, phản cảm từ phía những nghệ sĩ lớn, có tên tuổi, có chức vụ, những clip tiktok của nghệ sĩ nổi tiếng nhắm vào trẻ em thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội để thõa mãn sự ấm ức cá nhân, điều đó không những làm tổn thương đến trẻ em, gây phẫn nộ trong dư luận, ảnh hưởng đến thanh danh, nghề nghiệp, đồng nghiệp mà còn tạo ra những hệ lụy tiêu cực khác trong xã hội, tiếc thay vẫn có một lực lượng fan cuồng mụ mị vẫn cố chấp, bao che, cổ súy cho những hành động đó, lời nói đó của thần tượng theo phương châm: “thần tượng luôn luôn đúng”.
Bất cứ ai trong xã hội
này cũng đều không được quyền thóa mạ, xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm
người khác, mọi vấn đề đúng sai đều phải được sự can thiệp và xử lý của pháp luật,
không có bất cứ vùng cấm cho riêng cá nhân nào. Thiết nghĩ, nếu một doanh nghiệp
làm việc ở thương trường, họ có thể không cần bằng cấp, họ chỉ cần giỏi và tạo
ra được đồng tiền nhưng chúng ta vẫn yêu cầu họ phải có văn hóa của doanh nghiệp,
thế thì những người làm về lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật là những người mang
cái tốt, cái đẹp, mang giá trị nhân văn đến cho nhân loại, cho cộng đồng thì họ
càng phải sống đúng, sống đẹp, sống chuẩn mực hơn nữa.
Nghệ sĩ vốn là những
người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội bởi họ có cơ hội tiếp cận với công
chúng bằng những sản phẩm nghệ thuật, họ có tồn tại được hay không cũng là nhờ
vào sự tin yêu, mộ điệu của khán giả, nghệ sĩ sống đẹp là nghệ sĩ biết tri ân
khán giả, biết quý trọng tình yêu thương của khán giả, khi biết trân trọng khán
giả, tự khắc người nghệ sĩ đó sẽ biết xây dựng cho mình một chuẩn mực trong đời
sống và ngôn ngữ, bởi họ biết khán giả là những người vừa nuôi, vừa dưỡng cho sự
tồn tại, phát triển của một nghệ sĩ.
Trong bài viết này, cũng
sẽ mạn đàm một chút về cuộc tranh luận “khán giả có nuôi nghệ sĩ” để làm rõ thêm
“Văn hóa nghệ sĩ”, đó là khi một số người trong giới giải trí đã đăng đàn phủ
nhận những giá trị đáng quý mà khán giả đã mang lại cho họ. Nếu một doanh nghiệp
cho rằng khách hàng là người nuôi họ, bác sĩ cho rằng bệnh nhân là người nuôi
bác sĩ mặc dù bác sĩ là người cứu vớt mạng sống, sức khỏe cho chúng ta, nông
dân cho rằng người tiêu thụ là những người nuôi họ, ngay cả nhà giáo bây giờ,
người ta cũng cho rằng học sinh là người bỏ tiền ra để hưởng dịch vụ theo yêu cầu
chứ không chỉ đơn thuần là Thầy và Trò như ngày xưa, tóm lại, bất cứ ai đang sử
dụng dịch vụ, sản phẩm của chúng ta có trả phí thì họ là người nuôi chúng ta,
nó tạo thành một vòng tròn kinh tế khép kín, chỉ duy nhất một bộ phận nghệ
sĩ là vượt ra khỏi vòng tròn đó và tự cho rằng khán giả, những người đang bỏ tiền
ra sử dụng dịch vụ của họ là không nuôi họ mà là sự cộng sinh qua lại lẫn nhau.
Tôi nhớ có lần, khi tôi
được đọc một bài báo phỏng vấn về ca sĩ Chế Linh, người ta hỏi Anh: “Anh nghĩ gì
khi nhiều người nói không tốt và hiểu sai về quá khứ của anh”. Ca sĩ Chế Linh đã
trả lời: “Mình là người của công chúng, mình ăn cơm của khán giả, khán giả nuôi
mình thì người ta có nói gì mình cũng phải chịu thôi, vì mình đã là người của công
chúng rồi”
Tại sao chúng ta nhắc
đến điều này? Bởi nó cũng chính là cái văn hóa của nghệ sĩ, người nghệ sĩ khôn
ngoan, chân chính là khi biết mình ở đâu trong lòng khán giả, biết trân trọng tình
yêu thương của khán giả dành cho mình, nhưng tiếc thay, khi bùng nổ cuộc tranh
luận “khán giả có nuôi nghệ sĩ” thì chúng ta lại thấy hiện lên một tư duy văn
hóa tiêu cực khi người làm giải trí tự khoác cho mình chiếc áo quá khổ, tự cho rằng
khán giả cộng sinh với mình, có nghĩa là nếu không có nghệ sĩ, không có những sản
phẩm giải trí của họ là khán giả sẽ không thể tồn tại, bằng nhiều lý lẽ, nhiều
dẫn chứng lệch lạc, thiếu khoa học, không đủ lập luận thuyết phục, họ chỉ có một
thứ đầy ắp duy nhất đó là sự ngạo mạn, lòng tự tôn quá lớn khi cho rằng sự cống
hiến có nhận tiền của họ là điều gì đó to lớn cho nhân loại. Họ tự xây cho mình
cái tôi lớn đến nỗi vượt ra khỏi quy luật mắc xích kinh tế mà họ quên rằng sự tồn
tại của họ cũng là từ khán giả.
Không biết tự khi nào,
có lẽ đó là khi xã hội xuất hiện một cộng đồng fan hâm mộ chưa phân biệt rõ đâu
là đúng đâu là sai, cuồng thần tượng đến mức mụ mị cố chấp, họ đã xây cho những
nghệ sĩ một cái phao vững chắc, một tường thành nguy nga mà dù nghệ sĩ có làm sai,
có thiếu chuẩn mực vẫn mặc sức tung tẩy bình yên trong tường thành vững chắc,
trong sự bảo bọc của đội ngũ fan cuồng.
Từ những yếu tố cộng
hưởng giữa sự phát triển công nghệ cùng sự cuồng mộ thiếu phân định của một phận
khán giả chưa đủ chính kiến đã trở thành nguyên nhân để không ít người làm nghệ
thuật dần dần trở nên lệch chuẩn, không chỉ ở người trẻ mà cả những nghệ sĩ có
tên tuổi, có thâm niên trong nghề, bên cạnh đó, sự phát triển của ngành công
nghiệp giải trí ngày nay đã mang nghệ sĩ đến quá gần với khán giả làm cho nghệ
thuật trở thành đời thực một cách thiếu gọt giũa, thiếu đi sự trau chuốt kỹ lưỡng,
là sự dễ giải của cộng đồng mạng đã tạo ra miền đất hứa, biến những hiện tượng
scandal, những nhân vật thích tạo drama trở thành “nghệ sĩ”, sự kiểm soát còn lơi
lỏng của đơn vị quản lý là một trong những nguyên nhân làm cho văn hóa nghệ sĩ
ngày càng trở nên báo động.
Hy vọng rằng, sau trận
chiến giữa khán giả và nghệ sĩ trong thời gian qua, giới nghệ sĩ sẽ biết cách xây
dựng lại lòng tin, giá trị của mình trong lòng khán giả, bên cạnh đó, với sức mạnh
của những người mộ điệu tỉnh táo, những khán giả nghiêm túc, sự vào cuộc của cơ
quan chức năng sẽ ngày càng quản lý chặt chẽ hơn nữa những sản phẩm văn hóa, những
hành vi ứng xử của người làm giải trí để kịp thời chấn chỉnh những tư tưởng, phát
ngôn thiếu chuẩn mực, không phù hợp đối với giới văn nghệ sĩ để những sản phẩm đưa
đến công chúng là những sản phẩm sạch sẽ, cách ứng xử lịch thiệp với cộng đồng,
trả lại nền văn hóa phát triển tích cực, lành mạnh cho khán giả, cho xã hội
trong một ngày không xa.
Phương Trâm
Nhận xét
Đăng nhận xét